CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ PHÒNG ĐÀO TẠO VÀ CÔNG TÁC HỌC SINH SINH VIÊN
1. Chịu trách nhiệm xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện các chủ trương của Trường về công tác đào tạo. Tổ chức chỉ đạo, thực hiện, giám sát, quản lý công tác đào tạo bao gồm giảng dạy, học tập trong toàn Trường đối với hệ thống chính quy và không chính quy.
2. Tham mưu cho Hiệu trưởng quản lý, điều hành mọi hoạt động đào tạo của Trường; chịu sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Hiệu trưởng và tuân theo quy định của Bộ Giáo dục & Đào tạo về nghiệp vụ quản lý giáo dục.
3. Tham mưu giúp Hiệu trưởng trong việc xác định mục tiêu đào tạo, qui mô đào tạo, cơ cấu ngành nghề, mở các ngành học mới, nghiên cứu các đề xuất nhằm cải tiến và hoàn thiện nội dung, chương trình giáo trình, phương pháp đào tạo và quản lý chất lượng đào tạo.
4. Tham mưu, tổng hợp, đề xuất ý kiến, giúp Hiệu trưởng tổ chức thực hiện các quy chế đào tạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, soạn thảo các quy định về quản lý quá trình đào tạo của Trường.
5. Cùng với các Tổ bộ môn xây dựng kế hoạch giảng dạy chung của toàn Trường cho từng khóa học, năm học, học kỳ; lập thời khóa biểu bố trí và điều hành lịch trình giảng dạy-học tập; đồng thời, theo dõi và kiểm tra tình hình thực hiện kế hoạch giảng dạy, chương trình đào tạo và quy chế giảng dạy ở các Tổ bộ môn, đề xuất bổ sung hoặc điều chỉnh khi cần thiết, trình Hiệu trưởng xem xét quyết định. Thực hiện mời giáo viên thỉnh giảng theo đề xuất của Tổ bộ môn.
6. Tham mưu cho Hiệu trưởng các chế độ chính sách đối với cán bộ giảng dạy, phối hợp với các Tổ bộ môn kiểm tra báo cáo, thống kê khối lượng giảng dạy, đề xuất ý kiến về nhu cầu cơ sở vật chất và điều kiện cần thiết phục vụ giảng dạy-học tập.
7. Quản lý hành chính về đào tạo theo đúng quy chế về đào tạo do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành, tập hợp, thống kê và xử lý các thông tin về đào tạo, lập hồ sơ trình Hiệu trưởng.
8. Tham mưu Hiệu trưởng về việc thành lập các hội đồng liên quan đến công tác đào tạo (Hội đồng thi tuyển sinh, Hội đồng thi tốt nghiệp...) và phối hợp với các Phòng, Tổ bộ môn liên quan giúp các Hội đồng triển khai thực hiện nhiệm vụ.
9. Tham mưu tổ chức tuyển sinh các hệ đào tạo hàng năm và cùng các bộ phận khác trong Trường thực hiện công tác tuyển sinh.
10. Đề xuất với Hội đồng Khoa học và đào tạo điều chỉnh những chương trình cần thiết cho phù hợp với mục tiêu, đối tượng đào tạo; theo dõi, kiểm tra các đơn vị trong Trường thực hiện kế hoạch, tiến độ và nội dung nghiên cứu khoa học; sơ kết, tổng kết các hoạt động khoa học theo học kỳ hoặc năm học; đề xuất việc khen thưởng trong công tác nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ; tham mưu tổ chức các hội nghị khoa học, thông tin khoa học trong và ngoài nhà trường; phối hợp với các Tổ bộ môn, đoàn thể liên quan tổ chức công tác nghiên cứu khoa học trong học sinh.
11. Tham mưu công tác đối ngoại và hợp tác nghiên cứu khoa học và đào tạo với các đơn vị trong và ngoài nước.
12. Quản lý, lưu trữ toàn bộ hồ sơ tài liệu liên quan công tác đào tạo.
13. Tham gia quản lý, điều hành trang Web của Trường.
BỘ PHẬN QUẢN LÝ HỌC SINH, SINH VIÊN
1. Tham mưu Hiệu trưởng và tổ chức triển khai công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị tư tưởng, văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao đối với viên chức và học sinh trong Trường; quản lý học sinh về phẩm chất chính trị, tư cách đạo đức và học tập; thực hiện chế độ chính sách, thi đua khen thưởng, kỷ luật và hướng nghiệp học sinh.
2. Xây dựng và trình Hiệu trưởng phê duyệt chương trình kế hoạch công tác giáo dục chính trị tư tưởng, phẩm chất đạo đức cho cán bộ, viên chức và học sinh, công tác quản lý học sinh.
3. Xây dựng và trình Hiệu trưởng ban hành quy định cụ thể hóa quy chế quản lý học sinh, sinh viên của Bộ Giáo dục và Đào tạo áp dụng trong Trường.
4. Tổ chức các lớp học tập Nghị quyết của Đảng, sinh hoạt chính trị đầu khóa, ngoại khóa cho toàn Trường.
5. Tổ chức tuyên truyền chủ trương, đường lối, Nghị quyết của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước thông qua hệ thống thông tin nội bộ như: Bản tin nội bộ, phát thanh, pano, apphich, tin ảnh, báo chí, trang Web của Trường.
6. Tổ chức quản lý, sử dụng cơ sở vật chất nhà trường trang bị cho phòng; phối hợp với Phòng Hành chính-Tổ chức và các đoàn thể sử dụng có hiệu quả hội trường, phòng truyền thống, tổ chức đôn đốc kiểm tra giám sát việc thực hiện quy chế học sinh-sinh viên; các loại hình câu lạc bộ, các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục, thể thao trong viên chức giáo viên và học sinh.
7. Làm đầu mối quan hệ với các cơ quan thông tin đại chúng, là cơ quan thường trực Hội đồng khen thưởng, kỷ luật học sinh và Hội đồng đánh giá rèn luyện và công nhận tốt nghiệp của học sinh.
8. Phối hợp với Phòng Đào tạo-Nghiên cứu khoa học tiếp nhận học sinh trúng tuyển vào Trường, quản lý việc cấp phát thẻ học sinh.
9. Tiếp nhận, phối hợp quản lý kết quả học tập của học sinh, lưu trữ quản lý hồ sơ học sinh, xác nhận các giấy tờ liên quan đến học sinh (trừ các giấy tờ liên quan đến đào tạo) trong phạm vi được Hiệu trưởng ủy quyền.
10. Tập hợp và đề xuất Hiệu trưởng xét trợ cấp, miễn giảm học phí, xét cấp học bổng cho học sinh theo quy định hiện hành, làm thủ tục giúp học sinh vay vốn ngân hàng; lập hệ thống thông tin quản lý học sinh ngoại trú, phối hợp với các đơn vị liên quan giải quyết các trường hợp học sinh bị ốm đau, tai nạn rủi ro...
11. Tham mưu Ban Giám hiệu chỉ đạo công tác giáo viên chủ nhiệm lớp, tổ chức đối thoại với học sinh, giải quyết những thắc mắc, khiếu nại về kết quả rèn luyện và chế độ chính sách đối với học sinh.
12. Phối hợp với các tổ chức trong và ngoài Trường để hướng nghiệp tư vấn việc làm cho học sinh, phối hợp với các đoàn thể để nâng cao chất lượng sinh hoạt học đường, tham gia công tác phát triển đảng trong học sinh.
13. Phối hợp với các phòng liên quan để tham mưu công tác bảo đảm an ninh, trật tự trường học, giáo dục an toàn giao thông, phòng chống tội phạm và tệ nạn xã hội.